- 30 Th8, 2021
- Posted byunidnoithat
Industrial là thuật ngữ được sử dụng trong giới thiết kế nội thất. Từ khi phong cách thiết kế công nghiệp xuất hiện, nó đã trở thành biểu tượng cho một thời lịch sử đã qua và được rất nhiều người lựa chọn. Nếu bạn là một người yêu thích sự giản dị, mộc mạc nhưng mạnh mẽ và táo bạo; vậy thì phong cách nội thất Industrial là một lựa chọn cần được cân nhắc.
Nguồn gốc phong cách công nghiệp
Phong cách Industrial được cho là xuất hiện khoảng đầu thế kỷ XX; tức vào giai đoạn cuối của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ hai. Đây là khoảng thời gian sau khi cuộc cách mạng tại Châu Âu suy thoái nghiêm trọng. Khi ấy, các nhà máy ở Tây Âu buộc phải đóng cửa và di chuyển đến các quốc gia khác với chi phí sản xuất, nhân công rẻ hơn.
Thời gian trôi qua, các thành phố ở Tây Âu dần phát triển, dân số ngày càng tăng, dẫn đến tình trạng diện tích đất dành cho nhà ở ngày càng khiêm tốn. Lúc này, những nhà xưởng, nhà kho, nhà máy bỏ hoang năm xưa bắt đầu được người dân cải tạo thành nhà ở. Tuy nhiên, thay vì cải tạo hoàn toàn, các kiến trúc sư lại quyết định giữ lại những chi tiết đậm chất công nghiệp của các công trình này. Từ đó, phong cách Industrial ra đời.
Đặc trưng của phong cách công nghiệp
Phong cách Industrial có những nét riêng biệt làm nên dấu ấn của mình. Chính vì những nét đặc trưng này mà nó trở nên nổi bật và không thể nhầm lẫn giữa một ” rừng” các phong cách khác nhau. Dưới đây là một vài đặc trưng của phong cách công nghiệp:
Màu sắc chủ đạo trong thiết kế
Những gam màu tối như xám, navy, đen hay gỗ nâu sậm là những màu chủ đạo thường được dùng trong phong cách thiết kế công nghiệp. Các màu trung tính toát lên vẻ cứng cáp lẫn đơn sơ,mộc mạc xen lẫn độc đáo và thú vị như chính những nhà máy ở thế kỷ trước. Nếu bạn không thích những màu trung tính như trên, có thể thay đổi phá cách bằng những gam màu ấm áp hơn nhưng cẩn thận đừng quá lạm dụng chúng.
Các chi tiết thiết kế được phô bày một cách khéo léo
Trong phong cách thiết kế Industrial, các cột bê tông, dầm thép cũng như ống thông gió, đường ống nước sẽ không được giấu vào tường như những phong cách khác. Ngược lại, nó còn được phô bày như một phần không thể thiếu của không gian tổng thể. Những chi tiết thô sơ này đa phần được mô phỏng lại từ những khu công nghiệp xuống cấp; mang lại cảm giác chân thật và gần gũi. Ngoài ra, thông thường các chi tiết trong thiết kế được sơn tiệp màu với trần nhà để tạo chiều sâu hoặc giảm bớt cảm giác nặng nề.
Vật liệu sử dụng trong thiết kế công nghiệp
Phong cách thiết kế nội thất công nghiệp không đòi hỏi các tiểu xảo thẩm mỹ cầu kỳ. Chúng phần lớn nhấn mạnh tới cấu trúc nguyên bản, bao gồm các bức tường để trần. Những viên gạch đỏ điểm thêm màu sắc cho nội thất và tạo ra không khí ấm áp.
Trong các thiết kế của Industrial, bạn sẽ dễ dàng bắt gặp những chiếc bàn gỗ thô mộc, kệ gỗ hay tủ gỗ. Tất cả đều mang màu tự nhiên nguyên thuỷ trong từng thớ gỗ đem lại giá trị thẩm mỹ cao. Bên cạnh gỗ, các nguyên liệu sắt, thép cũng được sử dụng trong phong cách Industrial; làm điểm nhấn cho ngôi nhà thêm cá tính.
Gạch hoa không được phổ biến trong nội thất công nghiệp. Lựa chọn được ưa chuộng hơn là bê tông; bởi bê tông mang lại cảm giác cũ kỹ, kết hợp thuần thục với vẻ ngoài dang dở của phong cách này.
Mọi chi tiết đều đơn giản
Đây chính là một trong những lý do khiến phong cách thiết kế công nghiệp được ưa chuộng hiện nay. Mọi chi tiết đều mang vẻ thô mộc nhưng mang đầy ẩn ý; diện tích sàn lớn, các chi tiết nhỏ và khá ít để không chiếm không gian bề mặt. Không gian trong phong cách công nghiệp thường rộng rãi, thoáng đãng; không phân chia thành các phòng chức năng khác nhau.
Các yếu tố trong công nghiệp thường mạnh mẽ. Vì thế không cần phải lạm dụng nhiều chi tiết trang trí; chỉ cần làm nổi bật một số khu vực trong trung tâm. Chẳng hạn như chiếc xe đạp mô hình trên tường; hoặc những chiếc ghế đẩu bằng thép bày trí trong gian bếp.
Những lưu ý khi thiết kế nhà theo phong cách công nghiệp
Phong cách Industrial phù hợp với căn hộ có không gian rộng để dễ dàng tái hiện một phần kiến trúc thường thấy trong các nhà kho hoặc nhà máy khi xưa. Nếu căn hộ của bạn không quá rộng nhưng vẫn muốn thử áp dụng phong cách này; hãy chọn phần không gian rộng nhất của ngôi nhà để thiết kế theo hơi hướng Industrial.
Thiết kế nhà theo phong cách công nghiệp không hề đơn giản như người ta nghĩ. Chúng đòi hỏi tính kỹ thuật cao. Chẳng hạn như những bức tường gạch hay trần bê tông luôn đòi hỏi phải xử lý để chống bụi. Hơn nữa, những bức tường gạch đòi hỏi sự kỹ lưỡng của người thợ; đảm bảo không bị vênh, lệch, làm giảm tính thẩm mỹ của căn nhà.
Để có được bề mặt bê tông hoàn hảo, không chỉ phụ thuộc vào trình độ tay nghề của người thợ thi công; mà chất lượng bê tông cũng phải đảm bảo ở mức cao nhất. Bên cạnh đó, việc sắp xếp, gia giảm hệ thống ống thông gió, đường ống nước, dây dẫn điện ở trần nhà cũng là một nghệ thuật. Bởi chỉ cần quá tay một chút, trần nhà sẽ đột nhiên trở thành một mớ hỗn độn cho tổng thể không gian.
Với những thông tin vừa rồi, hy vọng bạn sẽ lựa chọn được một phong cách nội thất phù hợp cho mình. Nếu bạn có nhu cầu về thiết kế – thi công nội ngoại thất, hãy nhấc máy và liện hệ ngay với UNID VIETNAM nhé!